Tính cách Phạm Trấn (Bắc Tống)

Trấn bình sanh cùng Tư Mã Quang rất thân thiết, nghị luận như nói ra từ 1 miệng, vả lại còn hẹn sống thì giúp nhau viết liệt truyện, chết thì làm văn bia (minh). Tư Mã Quang sanh thời làm truyện của Trấn, tỏ ra khâm phục thái độ dũng cảm, quyết đoán của ông; sau này Trấn làm văn bia của Quang, có câu: “Thời Hi Ninh bọn gian hoành hành, âm hiểm giảo hoạt, núp Thần Tông để lần mò vào trong.” Lời ấy cay nghiệt, nên con của Quang là Tư Mã Khang gởi thư hỏi Tô Thức, Thức đáp: “Thức không viết thư trả lời, vì sợ chẳng phải là phúc của 3 nhà vậy.” Rồi đổi văn bia ấy.[3]

Trấn tính trong sạch thẳng thắn, đãi người chân thành, lại cung kính thận trọng, không nhắc đến lỗi lầm của người ta. Hễ gặp dịp quan trọng, nghị luận căng thẳng, Trấn tuy sắc mặt hòa hoãn nhưng lời lẽ hùng tráng, luôn muốn kế tục những bậc tiền nhân đã mất, dù ở trước mặt hoàng đế cũng không chịu nhún mình. Trấn dốc lòng làm việc nghĩa, kính trọng người già, giúp đỡ người trẻ; ở quê nhà, những việc hôn nhân hay tang ma gặp khó khăn, ông liền đứng ra làm chủ.[1][2][3]

Anh cả Phạm Tư mất ở Lũng Thành, vốn không có con trai, nhưng Trấn nghe nói ông ta vẫn còn một đứa con hoang đang ở trong bụng mẹ (di phúc tử). Bấy giờ Trấn đang ở kinh sư, vẫn chưa làm quan, lập tức lên đường quay về đất Thục, vì đi bộ nên mất 2 năm mới tìm được 2 mẹ con ấy. Trấn nói: “Anh của tôi có chỗ khác người, trên mình có 4 núm vú, đứa trẻ này nếu cũng có thì đúng rồi!” Đứa trẻ thật sự có như thế, Trấn bèn đặt tên cho cậu ta là Bách Thường.[1][2][3]

Thuở nhỏ Trấn ở quê nhà, theo học tiên sanh Bàng Trực Ôn. Con trai của thầy là Bàng Phưởng mất ở kinh sư, Trấn hỏi cưới con gái của Phưởng cho cháu trai mình, nuôi dưỡng vợ con của ông ta đến trọn đời.[1][2][3]

Những năm cuối đời Trấn dọn nhà đến Hứa Châu, được người Hứa vừa yêu vừa kính. Nghe tin Trấn mất, người Hứa đều rơi nước mắt.[1]